Học viện sẽ có các khóa đào tạo như bản đồ và khảo sát, chụp hình trên không, an toàn cộng đồng, đào tạo vận hành LV1, vận hành máy bay nông nghiệp…
Ngày 19-9, tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Phòng thí nghiệm trọng điểm ĐH Quốc gia TP.HCM động cơ đốt trong và Công ty máy bay không người lái AgriDrone Việt Nam đã ký kết hợp tác về việc thành lập tại Học viện Drone.
Đây là học viện đào tạo máy bay không người lái (Drone) đầu tiên được thành lập tại Việt Nam, chuyên đào tạo sử dụng các loại máy bay không người lái và cấp chứng chỉ bay.
Sau ký kết, dự kiến đầu tháng 10-2020, hai đơn vị sẽ mở các khóa đào tạo và nghiên cứu ứng dụng Drone và cấp chứng chỉ vận hành thiết bị bay theo tiêu chuẩn quốc tế UTC của DJI; nghiên cứu ứng dụng thiết bị bay không người lái cho mục đích dân sự; chế tạo thiết bị bay không người lái, cũng như cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao về giải pháp drone tại Việt Nam.
Tùy theo mức độ ứng dụng, Học viện sẽ gồm các khóa đào tạo như: bản đồ và khảo sát, chụp hình trên không, an toàn cộng đồng, kiểm tra công nghiệp, đào tạo vận hành LV1, vận hành máy bay nông nghiệp… với mức học phí từ 4-7 triệu đồng (có ưu đãi dành cho sinh viên).
Hai đơn vị ký kết thành lập Học viện Drone
Đoàn làm việc chụp hình lưu niệm cùng những chiếc máy bay không người lái. Ảnh: NTCC
Phát biểu tại lễ ký kết, PGS.TS Ngô Khánh Hiếu, Trưởng Phòng thí nghiệm trọng điểm Động cơ đốt trong ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết ngày nay việc ứng dụng thiết bị bay trong đời sống rất nhiều. Sự phát triển của máy bay không người lái đã đạt được những bước tiến lớn, do đó nhu cầu về phi công lái máy bay không người lái ngày một tăng cao. Sự ra đời của học viện đào tạo máy bay không người lái tại Trường ĐH Bách khoa nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu xã hội.
Được biết, Drone (UAV – Unmanned Aerial Vehicle) là các loại máy bay không người lái gồm nhiều kích thước, hình dạng và đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau. Ngày nay, Drone trở nên phổ biến rộng rãi trong các lĩnh vực đời sống và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp (máy bay phun thuốc), công nghiệp, điện gió, năng lượng mặt trời… để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của xã hội.